skip to Main Content
Menu
0971 606 357 - 0935 399 868 sale.thesinhcafetour@gmail.com

Lễ hội chọi trâu ở xã Phù Ninh – huyện Phù Ninh

Thời đại các vua Hùng dựng nước và lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam nói chung và của nhân dân đất Tổ nói riêng đã để lại cho hậu thế một kho tàng di sản văn hóa vô cùng quý báu. Cùng với các di sản văn hóa vật thể là các di tích Miếu, Đền, Đình… phản ánh tín ngưỡng dân gian về thời kỳ Hùng Vương dựng nước, còn có các di sản văn hóa phi vật thể được bảo lưu dưới dạng thức là các lễ hội, phong tục tập quán ở các làng quê đã phản ánh khá sinh động cuộc sống lao động vô cùng gian nan, vất vả của người nông dân và phản ánh đời sống tinh thần đa dạng, phong phú của các cư dân Lạc – Việt với nghề nông trồng lúa nước từ thời Hùng Vương, tạo thành bức tranh văn hóa dân gian đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa vùng Đất Tổ. Một trong những lễ hội dân gian tiêu biểu của tín ngưỡng trồng lúa nước ấy phải kể đến lễ hội chọi trâu ở xã Phù Ninh huyện Phù Ninh đã được hình thành trong lịch sử dựng nước và giữ nước và được lưu truyền qua thời gian đến ngày nay.

Đây là một hoạt động lễ hội dân gian tiêu biểu của làng quê trung du trồng lúa nước đã in sâu trong tiềm thức văn hóa truyền thống của các thế hệ người dân nơi đây, khó có thể phai mờ.

 Xã Phù Ninh nằm ở ven đường quốc lộ số 2 có địa hình trung du điển hình với những đồi, gò san sát như bát úp xen kẽ với những thửa ruộng lúa nước một vụ và hai vụ.

 Xã Phù Ninh có 4 làng: làng Cão, làng Phú Mãn, làng Ngọc Trù và làng Ngọc Khôi. Trước kia, trên địa bàn xã có 1 ngôi miếu có tên miếu Lạn và 3 ngôi đình làng thờ 4 vị Thần liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương, đó là:

   – Đột ngột cao sơn minh quảng đức chính đại vương;

   – Thiên hạ đô đại thành hoàng ất sơn quý minh đại vương;

   – Thiên hạ đô đại thành hoàng Đô thống uy dũng đại vương;

   – Thổ quan áp đạo đại vương.

 Vào ngày mùng 2, dân làng làm lễ ở Miếu Lạn, các ngày mùng 4 tết dân làng làm lễ tế ở đình Phú Mãn, ngày mùng 5 tết mở lễ hội ở đình Ngọc Trù, ngày mùng 6 tết mở lễ hội tại đình làng Ngọc Khôi. Ngay từ ngày mùng 3 tết, hội làng được tổ chức với nghi thức rất trang nghiêm để tế lễ vua Hùng trên bãi cầu có cắm rất nhiều cờ ngũ sắc. Khi thấy có gió, cờ tung bay thì dân làng cho đó là điềm báo Vua Hùng đã về và bắt đầu tổ chức làm lễ với nghi thức mổ lợn đen tuyền. Lợn được mổ xong, lấy tiết lợn xoa đầy mình con lợn và lấy cỗ lòng đặt trên lưng con lợn. Sang ngày mùng 4 tết làng Phú Mãn tổ chức lễ hội với nghi thức cầu đinh (cầu cho sinh sôi nay nở giống nòi) với lễ vật là bánh dày và tổ chức các trò chơi dân gian như kéo co và cướp tiền cầu may năm mới. Trước khi vào hội kéo co, theo tục trọng xỉ (trọng người cao tuổi), dân làng bố trí cho một số cụ cao tuổi kéo co trước mang ý nghĩa xin phép Thần linh, Thành hoàng cho phép khai hội, sau đó đến lượt thanh niên thi kéo co. Ngoài ra chủ tế sau khi đã tiến hành nghi lễ thì cầm một số đồng tiền tung ra cho mọi người tranh cướp, ai cướp được thì đó là niềm may mắn sẽ có trong năm.

Ngày mùng 5 tết, đến lượt làng Ngọc Trù mở hội. Nghi thức tế lễ được tổ chức trang trọng tại đình làng, sau đó là tổ chức phần hội với việc giao lưu hát Xoan giữa làng Kim Đức với làng Ngọc Trù. Những “trai thanh, nữ tú” có dịp đua tài qua các câu ca Xoan, đây cũng là dịp để họ tìm hiểu làm quen và tỏ tình yêu đôi lứa nếu như họ cảm thấy “Tâm đầu ý hợp”.

Đến ngày mùng 6 tết, làng Ngọc Khôi tổ chức lễ hội tại đình với nghi thức tế lễ do các cụ cao tuổi trong làng tiến hành. Kết thúc phần tế lễ là phần mở hội với trò đấu vật lấy giải. Các nam thanh niên khỏe mạnh thi nhau đua tài trên sới vật tại sân đình. Người thắng cuộc là người vật khỏe nhất hạ được tất cả các đối thủ và được nhận giải thưởng của làng.

Đến ngày 12 tháng giêng, làng tổ chức tiệc ở Miếu Lạn thuộc làng Cão. Các giáp cử người “làm Mo” để lo việc sắm lễ vật. Lễ vật là một ván xôi, con gà mổ ngay tại trước miếu nhưng không luộc chín mà để sống. Lòng được nướng với củ kiệu non để cả rễ. Ngoài lễ vật là xôi gà, còn có lễ vật là lợn mổ để nguyên cả con để tế lễ. Tục sắm lễ vật này được xuất phát từ truyền thuyết Vua Hùng đi săn trên địa bàn xã Phù Ninh thuộc bộ Văn Lang xưa. Ngoài ra, ở làng Cão còn có phong tục họp chợ 2 lần trong một năm vào các ngày mùng 2 tháng giêng và ngày mùng 10 tháng mười âm lịch tại địa điểm có tên là Hàm Rồng hay tên nôm còn gọi là chợ Nành. Lễ hội chọi trâu được tổ chức vào dịp họp chợ Nành mùng 5 tháng 5 âm lịch.

          Chuẩn bị trâu chọi:

Cả 4 làng đều phải tìm mua mỗi làng một con trâu cà (trâu đực), trâu phải có bộ lông đen tuyền không có tý lông trắng nào. Cặp sừng phải gần nhau, tràn rộng có khoáy, hai háng trước, háng sau phải rộng. Khi đã chọn được trâu chọi đủ tiêu chuẩn rồi, muốn mua trâu phải xin âm dương, nếu thánh ứng mới mua, nếu thánh không ứng thì phải chọn con khác. Trâu mua rồi, giáp phải cử người “làm mo” nuôi trâu. Chuồng trâu phải được làm mới và chuẩn bị sạch sẽ và bịt kín xung quanh để ngăn tuyệt đối không cho trâu được tiếp xúc với các trâu khác, có như vậy khi chọi nhau trâu mới hăng. Người “làm mo” phải được chọn lựa kỹ càng với các tiêu chuẩn cụ thể như sau: Vợ chồng phải song toàn, có con trai, con gái. Gia đình không có tang ma, sống hòa thuận, phúc hậu với dân làng. Người “làm mo” khi nhận trâu để nuôi phải “trống rong, cờ mở” để rước trâu về nuôi chờ đến ngày họp chợ cho chúng chọi nhau và mổ thịt tế Thần.

          Tổ chức chọi trâu:

Dân làng chọn một bãi đất rộng trong khu vực họp chợ Hàm Rồng (chợ Nành), rồi lấy tre dào xung quanh thật chắc chắn đề phòng trâu thua cuộc sẽ phóng chạy ra ngoài gây nguy hiểm cho những người xem. Xung quanh sân được cắm cờ, tàn, lọng và trống chiêng để cổ vũ. Chiều mùng 4 tháng 5 làm lễ ở đình. Đến sáng ngày mùng 5/5 trâu chọi được dân làng tắm rửa sạch sẽ rồi dẫn ra bãi chọi tại chợ Nành trong tiếng trống chiêng vang trời và cờ lọng bay rợp đất. Mỗi làng một con, 4 làng có 4 con chia ra thành 2 cặp đấu. Để kích thích trâu chọi, người nuôi trâu thường cho trâu uống nửa lít rượu và hắt rượu lên mình trâu để trâu chọi hăng máu xông vào chọi.

Tuy có 4 con trâu chọi sẽ có 2 con thắng cuộc, hai con thua cuộc. Ngày mùng 5 tháng 5 chỉ mổ hai con trâu thua cuộc, còn hai con tháng cuộc để lại tiệc mùng 10 tháng 10 chọi trận “chung kết” rồi mổ cả 2 con làm lễ vật tế Thần.

Khi mổ trâu làm lễ tế Thần người ta chuẩn bị những thứ để đựng thịt trâu là những chiếc rế được bện bằng dây mây có lót 7 lá ngõa và lá chuối và bày thành  9 tầng gọi là bày cỗ “cửu trùng, thất diệp” mà không bày vào bát, đĩa. Bộ nội tâm để sống làm lễ xong mới cho đem luộc. Thịt bày xong đem đặt lên một mô đất vuông và bằng phẳng ngay ở giữa chợ để làm lễ cúng Thần, trên cái nền này có bày hương án. Cúng lễ xong mọi người ăn uống ngay ở chợ.

Lễ hội chọi trâu ở xã Phù Ninh được hình thành từ truyền thuyết vua Hùng đi săn: “Tương truyền rằng, khi các tướng của vua Hùng đi săn có qua chợ Hàm Rồng. Đến đây thấy có hai con hổ đánh nhau, những người đi săn liền lấy giáo mác đâm chết cả hai con rồi đem mổ thịt ăn ngay tại chỗ. Mỗi năm cứ đến ngày tiệc, lệ làng lại cho chọi trâu và bày cỗ lệ ăn uống như trên để tưởng nhớ những người đi săn thời các vua Hùng. Họ chọn hai con trâu chọi nhau để mô phỏng truyền thuyết hai con hổ đánh nhau…”.

Các địa danh liên quan đến lễ hội chọi trâu đến nay đã thay đổi tên gọi như sau: Lãng Cão nay là làng Thọ Quang; Làng Phú Mãn nay là làng Phú Đoàn; Làng Ngọc Trù nay là làng Ngọc Thắng và làng Khuân nay là làng Ngọc Khôi.

Lễ hội chọi trâu ở xã Phù Ninh huyện Phù Ninh được bắt nguồn từ một truyền thuyết có từ thời các vua Hùng dựng nước, được truyền thuyết hóa và dân gian hóa để trở thành một lễ hội mang đậm tính chất của tín ngưỡng dân gian nông nghiệp lúa nước ở địa phương. Nó được hình thành từ tín ngưỡng sát sinh hiến tế mang tính chất nguyên thủy, sau đó được nông nghiệp hóa để trở thành một lễ hội của cư dân trồng lúa với hình tượng con trâu, một công cụ sức kéo rất quan trọng trong canh tác cày bừa của người nông dân. Đó cũng chính là cơ sở để hình thành quan niệm về vai trò “Con trâu là đầu cơ nghiệp của nhà nông”. Lễ hội được tổ chức với hai nội dung chính đó là phần Lễ và phần Hội. Phần lễ (diễn ra trước khi tổ chức hội chọi trâu) bao gồm những nghi thức tế, lễ cẩn cáo Thần linh và Thành hoàng ngay từ khi xin phép để mua trâu. Trước khi mở hội chọi trâu, làng phải tổ chức tế lễ với những lễ vật tiêu biểu của sản phẩn nông nghiệp như bánh dày và sau khi hội chọi trâu kết thúc, con trâu bị thua cũng được đem mổ thịt để tế Thần. Như vậy, phần lễ được diễn ra hai lần vào thời điểm trước khi tổ chức hội chọi trâu và sau khi hội chọi trâu kết thúc.

 Phần hội được tổ chức sau khi tiến hành nghi lễ tín ngưỡng với những diễn xướng dân gian truyền thống như hát Xoan (như vậy ngoài địa danh xã Kim Đức thì xã Phù Ninh cũng là nơi có hát Xoan) và các trò chơi dân gian khác như kéo co, vật, chọi trâu và mua bán các sản vật, thụ lộc tại chợ (ăn thịt trâu, uống rượu một hình thức giống như hội chợ ngày nay).

Thời gian tổ chức lễ hội được tổ chức vào thời điểm thu hoạch vụ chiêm (5/5 âm lịch) và thu hoạch vụ mùa (10/10 âm lịch). Nghĩa là rất phù hợp với một chu trình sinh trưởng của cây lúa và một quy trình sản xuất của nghề nông trồng lúa nước. Sau khi mùa màng được thu hoạch, công việc đã bớt bận rộn, lễ hội được tổ chức nhằm vui đón mùa màng thắng lợi, bội thu, cuộc sống no đủ sau thời gian lao động vất vả. Như vậy lễ hội chọi trâu mang ý nghĩa tinh thần rất lớn trong đời sống văn hóa của người nông dân vùng quê trung du. Nó chính là một dịp để thể hiện sự biết ơn trời, đất đã ban cho mưa thuận, gió hòa thông qua việc giết trâu tế Thần và trời đất. Đồng thời cũng là dịp tổ chức ăn uống và những trò diễn vui vẻ, tạo sự cố kết cộng đồng thêm bền chặt hơn. Có thể nói, lễ hội chọi trâu ở xã Phù Ninh là một lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước vùng Đất Tổ Hùng Vương./.

Đặng Đình Thuận – Về miền Lễ Hội cội nguồn dân tộc Việt Nam (Quyển 2)

Back To Top
Contact Me on Zalo
0971 606 357